[Review][Anime] Whisper of the Heart/ Lời thì thầm của trái tim _ Ghibli _1995

Trên IMDb có tóm tắt ngắn gọn về Whisper of the Heart (WoH) như thế này:

“Một câu chuyện tình yêu giữa một cô gái yêu sách và một chàng trai có tên trong danh sách đã mượn của tất cả những cuốn sách cô gái đọc ở thư viện.”

Có ai sau khi đọc xong tóm tắt này lại muốn dành gần 2 giờ đồng hồ trong cuộc đời mình để xem bộ phim như thế hay không?

Người ta nói WoH hay (rating 8.0/10 với 22.935 đánh giá trên IMDb), nhiều người quá nên tôi quyết định thôi thì xem,  rồi nhận ra rằng, đúng là nó… hay thật.

Không nút thắt, không cao trào, không hồi hộp, tò mò, và hơn cả là không có nụ hôn nào được trao. Đó chỉ đơn giản là một câu chuyện về tình yêu đầu đời của hai đứa trẻ 15 tuổi cùng giai điệu bài hát “Take me home, Country road” nhịp nhàng, gắn kết từ đầu tới cuối bộ phim. Không rõ do trùng hợp hay cố ý hay là chút trùng hợp chút cố ý, tiết tấu bộ phim cũng đều đều y như bản nhạc vậy. Sau khi xem phim, còn lại trong tôi không phải là đôi ba cảnh phim đầy màu sắc ấn tượng, hay lời thoại nhẹ nhàng ý nghĩa của 2 nhân vật, mà là sự thanh thản và vui vẻ cứ âm ỉ trong lòng. Cảnh xuất hiện đầu tiên trong phim là khi thành phố lên đèn. Cảm xúc sau khi xem phim cũng y như cái cách bạn ngắm khoảnh khắc đó vậy. Vừa lung linh ánh đèn điện, xe cộ ngược xuôi nối tiếp, vừa tĩnh lặng, dịu dàng để mọi thứ  lắng lại, thấm vào lòng. Và giai điệu Country road, Country road, Take me homeee cứ ngân nga ngân nga không dứt.

Cảnh báo: bạn đừng xem phim khi đang trên giường hoặc bất cứ nơi nào có thể ngả lưng hay khi đang trong tình trạng mệt mỏi buồn ngủ vì đơn giản là bạn sẽ… ngủ thôi. Tiết tấu phim không thắng nổi cơn buồn ngủ của bạn đâu nhưng chỉ cần nhắm mắt 1 giây thôi, bạn sẽ không biết mình bỏ lỡ thứ hay ho gì đâu.

Trước hết thì WoH là một bộ phim xinh đẹp. Như bao anh em họ hàng nhà Ghibli khác, WoH vẫn ghi điểm trong lòng khán giả bởi những khung hình tuyệt đẹp. Cảnh thành phố hòa cùng với gió khi nhìn từ trên cao, cảnh đêm lung linh từ ngọn đồi, cảnh bình minh, ánh mặt trời chen sương mù lóe lên rực rỡ… Tôi cũng ước mình được đặt chân trên cơn gió ấy… lướt đi.

Nhân vật nữ chính – cô bé 15 tuổi Shizuku xuất hiện bình lặng và đơn giản giữa dòng người tấp nập. Mất đến 2 cảnh phim tôi mới nhận ra cô bé “bình thường” này là trung tâm của câu chuyện. Nhiệt tình, ham mê đọc sách cộng thêm chút mơ mộng đúng với lứa tuổi của mình, Shizuku nhận ra sự tình cờ giữa mình và một cái tên “Amasawa Seiji” – người luôn có tên trong thẻ mượn sách của những cuốn cô cầm về từ thư viện. Shizuku thích thú với sự tình cờ này và tưởng tượng về một anh chàng đẹp trai chung sở thích. Không quá ngạc nhiên, bộ phim xây dựng Seiji đúng là một anh chàng đẹp trai và  rồi sau đó đưa 2 con người đến với nhau bằng những sự tình cờ dễ đoán trước nhưng vẫn cực kỳ dễ thương, ngọt ngào.

WoH như một thế giới vừa thực lại vừa ảo, cái thực, cái ảo ở đây quyện vào nhau tinh tế và hết sức tự nhiên. Tất cả tạo nên một niềm tin về lời hứa của Seiji ở  cuối phim. “Ngay bây giờ thì không thể được nhưng… Cậu sẽ kết hôn với tớ chứ? Tớ sẽ trở thành một người thợ làm vĩ cầm trưởng thành… Rồi sau đó… Shizuku! Tớ yêu cậu!”

Tôi cứ bắt gặp mình mỉm cười suốt dọc dài bộ phim. Cái cách cô nàng Shizuku tự nhiên phóng khoáng “chế lời” cho bài Take me home, Country Road; ngẩn ngơ đuổi theo con mèo kỳ lạ tự bắt tàu điện; làm quân sư cho chuyện tình cảm của cô bạn thân Yuuko hay cả những chi tiết Shizuku để phòng mình bừa bộn và khoái lên thư viện đọc đến cả chục cuốn sách. Tất cả đều gần gũi, thân thuộc đến vô cùng.

Amasawa Seiji xuất hiện có phần kém màu sắc hơn Shizuku nhưng lại chẳng thua phần ấn tượng. Cậu ấy chỉn chu và đẹp trai, có phần lạnh lùng nhưng lại lém lỉnh. Ở cái tuổi 15 của mình, Seiji thực khiến cho người khác phải ghen tị. Cậu ấy có một ước mơ – trở thành một người thợ làm vĩ cầm. Không chỉ đơn giản là ước mơ, Seiji theo đuổi nó và sẵn sàng đối đầu với khó khăn, thách thức để chạm tới ước mơ của mình. Chính đều này đã khiến Shizuku thay đổi. Cô bé lao vào viết lách như một cách kéo mình lại gần hơn Seiji.

Sự xuất hiện của ông Nishi – ông của Seiji, người chủ tiệm đồ cổ và đàn vĩ  cầm, với câu chuyện về Nam tước búp bê mèo như nền trời trong xanh trong bức tranh WoH vẽ nên vậy. Ban đầu ông là câu chuyện của 2 đứa trẻ, sau đó ông trở thành người gắn kết giữa chúng. Ông ủng hộ đam mê của Seiji và hướng Shizuku theo đuổi ước mơ của mình. Ông như trao cả cuộc tình dang dở của mình vào 2 đứa trẻ vậy.

Xin không được nhắc quá nhiều đến chi tiết “ảo” về 2 chú mèo Muta (Moon) và Nam tước Baron, có những thứ đơn giản chỉ thuộc về cảm nhận.

Một bộ phim đến giờ đã 20 năm tuổi nhưng vẫn còn vẹn nguyên chạm đến tâm hồn người xem.

Hãy xem phim đi thôi, để cảm xúc tự lắng đọng lại, để trái tim nhịp nhịp theo giai điệu bài hát, để tâm hồn dẫn lối tới bình yên.

Bình luận về bài viết này